Trẻ bị nôn không sốt là dấu hiệu của bệnh gì?

Trẻ bị nôn không sốt là một trong nhiều triệu chứng dễ dàng bắt gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy nguyên nhân gây nôn do đâu, nôn có nguy hiểm cho trẻ không và mẹ nên xử lý như thế nào khi trẻ bị nôn? Mời mẹ tham khảo bài viết dưới đây nhé.

1. Trẻ bị nôn không sốt cảnh báo các bệnh lý liên quan

Mẹ có biết ở trẻ rất nhiều bệnh lý có thể gây ra tình trạng trẻ bị nôn không sốt, để tìm hiểu về các bệnh lý này, trước tiên cùng Dr.Papie tìm hiểu qua về tình trạng nôn ói và nôn trớ ở trẻ mẹ nhé!

Trẻ bị nôn không sốt

Nôn ói là gì?

Nôn ói là hiện tượng các chất trong dạ dày của trẻ bị đẩy ra ngoài (miệng, mũi) do sự co bóp của dạ dày và sự co thắt của các cơ thành bụng.

Trẻ có thể nôn ra thức ăn, nước uống và dịch tiêu hóa (dịch vàng, xanh).

Nôn trớ là gì?

Nôn trớ là sự trào ngược các chất ở trong dạ dày vào thực quản do cấu tạo chưa hoàn chỉnh của dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung, thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và sẽ hết khi trẻ 12 – 14 tháng tuổi.

Căn cứ vào tần suất nôn trong ngày, cường độ nôn trong 60 ngày, nôn chia thành 3 mức độ:

  • Nôn cấp tính: đợt nôn đơn lẻ, cường độ trung bình trong thời gian ngắn
  • Nôn mãn tính: các đợt nôn tái diễn hàng ngày với cường độ thấp.
  • Nôn chu kỳ: các đợt nôn cường độ cao tái diễn nhiều lần trong vài tuần, xen kẽ là những giai đoạn trẻ hoàn toàn bình thường.

Trẻ bị nôn không sốt – các bệnh lý liên quan

Vậy mẹ có biết tình trạng trẻ bị nôn không sốt cảnh báo những bệnh lý gì không?

Dưới đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nôn ở trẻ nhỏ, có thể chia các nguyên nhân này thành hai nhóm nguyên nhân chính (nguyên nhân cơ năng và nguyên nhân thực thể).

Nguyên nhân cơ năng

Giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi

Do cấu tạo và chức năng hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện.

Một số trẻ em trong những tháng đầu đời có cấu tạo dạ dày nằm ngang, cơ thắt tâm vị đóng chưa chặt nên sau khi bé bú hoặc trong quá trình tiêu thụ thức ăn, sữa (thức ăn) rất dễ trào ra ngoài miệng trẻ (trớ) hoặc phun ra ngoài kèm theo cơn co bóp dạ dày (nôn).

Giai đoạn 5 – 6 tháng tuổi

Đây là thời kỳ trẻ bước sang giai đoạn ăn dặm, sự chuyển đổi từ thức ăn lỏng sang thức ăn đặc hơn, đa dạng thức ăn hơn cũng dễ làm cho trẻ dễ bị nôn trớ trong khi ăn, và trong quá trình tiêu hóa (thức ăn thô quá, khó tiêu, ăn quá nhiều,…).

Sự xuất hiện của các bóng khí trong đường ruột cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nôn trớ ở trẻ nhỏ.

Bóng khí được sinh ra trong quá trình tiêu hóa tiêu hóa thức ăn (lactose, protein và các chất dinh dưỡng khác).

Ngoài ra bóng khí có thể do trẻ nuốt nhiều khí vào bụng do sai lầm về phương pháp cho ăn hoặc do trẻ quấy khóc nhiều.

Nguyên nhân thực thể

Bệnh lý tắc nghẽn hoặc viêm của các tạng

Sự tắc nghẽn của các tạng hầu hết sẽ gây ra tình trạng nôn ở trẻ.

Tắc nghẽn dạ dày do các bệnh lý loét, tắc nghẽn ruột non và ruột già xảy ra do dính ruột, u lành tính hoặc ác tính hoặc các bệnh xoắn ruột, lồng ruột, nhiễm trùng ruột do virus hoặc vi khuẩn phổ biến như Staphylococcus aureus, Bacillus cereus gây nôn.

Viêm túi mật, viêm tụy, viêm ruột thừa, viêm gan cũng đều khiến trẻ bị nôn.

Trào ngược dạ dày thực quản

Còn được gọi là trào ngược axit, khó tiêu axit hoặc ợ chua.

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây ra cảm giác nóng và căng tức ở vùng ngực và vùng bụng trên.

Bệnh này khá phổ biến ở trẻ sơ sinh chưa trưởng thành hoàn toàn, do cơ vòng thực quản dưới của chúng cần nhiều thời gian hơn để phát triển, đây cũng là lý do tại sao trẻ thường nôn trớ và ợ hơi sau khi ăn.

Trào ngược dạ dày thực quản thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh có hiện tượng nôn trớ vài lần một ngày trong 3 tháng đầu.

Trào ngược dạ dày thực quản không gây ra bất kỳ vấn đề nào ở trẻ sơ sinh. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ tự khỏi khi trẻ được 12 đến 14 tháng tuổi.

Tuy nhiên, trào ngược dạ dày thực quản có thể trở nên nghiêm trọng nếu kéo dài quá mốc một năm.

Rối loạn chức năng cảm giác – vận động ruột

Các bệnh lý giảm chức năng cảm giác – vận động của ruột như liệt ruột, …..đều dẫn đến tình trạng nôn ở trẻ

Bệnh về não

Có thể kể đến các bệnh như tăng áp lực nội sọ, xuất huyết, áp xe, viêm não – màng não, tắc dịch não tuỷ, u não…

Bệnh về tim

Các bệnh cơ tim, nhiễm trùng tim bẩm sinh đều có thể dẫn đến buồn nôn, nôn.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Điển hình là viêm phế quản phổi, viêm mũi họng cấp, ho gà…

Trẻ bị nôn là dấu hiệu bệnh gì

Không dung nạp thức ăn

Dị ứng protein sữa bò là một trong những bệnh điển hình ở trẻ, các xét nghiệm dị ứng thường không chính xác và phải căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng, cũng như tình hình thực tế để phát hiện.

Có thể giải thích nguyên nhân của dị ứng đạm sữa bò là do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với protein trong sữa bò và tình trạng này thường sẽ hết khi trẻ lên 1 tuổi.

Dị ứng protein trong sữa bò gồm có dị ứng sữa bò chậm và nhanh.

Phản ứng dị ứng nhanh chỉ xảy ra sau 1 vài giờ sử dụng sản phẩm còn phản ứng chậm thì sau 48 tiếng hoặc thậm chí là sau 1 tuần.

Bệnh lý thứ hai có thể kể đến là bệnh lý không dung nạp đường lactose.

Bệnh lý này thường gặp ở những trẻ thiếu men tiêu hóa lactose mà phần lớn là do nguyên nhân thứ phát (sau khi bị tiêu chảy mãn tính, đặc biệt là tiêu chảy do vi rút hoặc có thể diễn ra đồng thời cùng với đợt tiêu chảy).

Khi thiếu men tiêu hoá lactase, đường lactose sẽ bị ứ đọng và bị các vi khuẩn trong ruột lên men, sinh ra khí, cũng chính khí này là nguyên nhân gây tình trạng trẻ bị nôn không sốt.

Nôn do thuốc

Một số thuốc có vị đắng thường kích thích vị giác ở trẻ và gây ra tình trạng nôn.

Điển hình là các thuốc kháng sinh như erythromycin, các thuốc NSAIDS như ibuprofen hay naproxen, các thuốc chẹn kênh calci, thuốc chống trầm cảm, thuốc hoá trị ung thư…

Xem thêm

Trẻ sốt mọc răng có nôn không?

2. Trẻ bị nôn không sốt cha mẹ cần làm gì?

Khi trẻ bị nôn không sốt, trước tiên mẹ cần phải nghiêng ngay đầu trẻ sang một bên, sau đó nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ, bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ.

Mục đích của việc cho trẻ nằm nghiêng và làm sạch chất nôn là để tránh chất nôn di chuyển vào trong đường hô hấp của trẻ.

Ngoài ra, mẹ nên khum tay vỗ nhẹ hai bên lưng nhằm trấn an trẻ, đồng thời giúp trẻ ho bật chất nôn còn lại trong họng ra ngoài, sau đó mẹ nhẹ nhàng lau cổ và người trẻ bằng nước ấm, thay đồ vải có dính chất nôn cho trẻ.

Mẹ cũng cần lưu ý, nếu trẻ bị nôn nhưng không sốt và tình trạng nôn kéo dài thì ngoài việc xử trí ngay khi trẻ có hiện tượng nôn, mẹ cũng cần áp dụng các biện pháp sau để giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe:

  • Giữ cho cơ thể trẻ đủ nước (bổ sung nước)
  • Để trẻ nghỉ ngơi đầy đủ (cố gắng tạo môi trường thoải mái, tránh các mùi kích thích như nước hoa, tránh ánh sáng hoặc tiếng ồn…để giúp trẻ thư giãn).
  • Thiết lập lại các thói quen ăn uống hàng ngày cho trẻ (việc này không chỉ giúp trẻ có đầy đủ dưỡng chất mà còn tránh cảm giác sợ ăn của trẻ).

3. Trẻ nôn sau ăn xử lý như thế nào?

Trẻ nôn sau ăn, ngoài việc làm sạch chất nôn cho trẻ, đặc biệt ở đường miệng, mũi, thì mẹ cũng nên tạm ngừng cho trẻ ăn. Tuyệt đối không ép trẻ ăn ngay sau đó, việc ép trẻ có thể khiến trẻ tiếp tục nôn và sinh ra tâm lý sợ ăn.

Trẻ bị nôn sau ăn

Đối với trẻ ăn quá nhiều hoặc kén ăn cha mẹ nên điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ theo chế độ bình thường.

Trường hợp trẻ bị dị ứng, mẫn cảm thức ăn thì tốt nhất mẹ nên thay thức ăn cho trẻ.

Những đồ ăn lỏng, dễ tiêu hoá, thường được khuyến cáo cho trẻ trong trường hợp này. Còn thức ăn đặc mẹ chỉ nên cho trẻ ăn sau 6 tiếng (sau lần nôn cuối cùng của bé) và tránh cho trẻ ăn các đồ cay, nóng.

Thông thường nôn mửa có thể khiến trẻ bị mất nước. Để bổ sung nước cho trẻ, mẹ nên cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước. Đối với các trẻ đang bú mẹ hoặc bú sữa công thức thì mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn, nhưng không để trẻ bú quá no.

Khi trẻ nôn sau ăn, tuyệt đối mẹ không cho trẻ uống thuốc chống nôn mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.

4. Biểu hiện bất thường khi trẻ nôn, cha mẹ cần đưa đi khám ngay

Trong những tháng đầu đời của trẻ, nôn có thể gây ra bởi mức độ hoàn thiện của hệ tiêu hoá ở trẻ, mức độ an toàn của thực phẩm và đôi khi lại là do bệnh lý ở trẻ. 

Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu dưới đây, mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Trẻ nôn thường xuyên
  • Trẻ nôn và có dấu hiệu mất nước, bao gồm môi se (khô), miệng khô, mắt khô, trũng, khát nước, ít đi tiểu hơn bình thường…
  • Trẻ bị nôn kèm sốt trên 38 độ, trẻ bị sốt chân tay lạnh.
  • Không chịu uống sữa (ăn kém)
  • Nôn nhiều lần trong ngày
  • Trẻ bị nôn liên tục trong một thời gian dài, kéo dài trong 24 tiếng
  • Có hiện tượng khó thở, tim đập nhanh, co giật
  • Đau bụng quằn quại, quấy khóc
  • Lơ mơ hay ở trạng thái kích thích
  • Nôn ói có kèm máu hoặc dịch vàng, xanh
  • Nôn liên tục kèm tiêu chảy

Như vậy trẻ bị nôn không sốt không đơn thuần là những biểu hiện sinh lí bình thường ở trẻ mà đôi khi còn là dấu hiệu bệnh lý mà cha mẹ cần lưu ý.

Sự chủ quan của mẹ đối với tình trạng này ở trẻ vô hình có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ. Để trẻ luôn khỏe mạnh, phát triển đầy đủ và toàn diện, mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết mẹ nhé!

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0911225336 Zalo Facebook