Hướng dẫn phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết và sốt siêu vi có biểu hiện ở giai đoạn đầu khá giống nhau. Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết rất cần thiết để kịp thời theo dõi, ngăn ngừa, điều trị các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Xét nghiệm cận lâm sàng là biện pháp chính xác nhất để xác định được bạn đang mắc loại sốt nào. Ngoài ra bạn cũng có thể phân biệt sự khác nhau giữa sốt xuất huyết và sốt siêu vi dựa trên các tiêu chí dưới đây.

1. Định nghĩa sốt siêu vi và sốt xuất huyết 

Đầu tiên cần tìm hiểu sốt siêu vi và sốt xuất huyết được định nghĩa như thế nào.

1.1. Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi (sốt virus) là tình trạng sốt do cơ thể nhiễm phải các loại virus khác nhau.

Sốt siêu vi là một loại bệnh cấp tính thường gặp ở đối tượng có hệ miễn dịch yếu như người cao tuổi, trẻ em hoặc người suy giảm miễn dịch (HIV, phụ nữ mang thai, ghép tạng,…).

Sốt siêu vi thường gặp vào thời điểm giao mùa do thời tiết thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virus gây bệnh.

1.2. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever) là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra.

Sốt xuất huyết là bệnh thường gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Có thể nói, sốt xuất huyết là một bệnh do virus lây truyền thường gặp nhất ở người.

Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết

2. Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết dựa trên nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh là tiêu chí rõ nhất để phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết.

Nguyên nhân gây sốt siêu vi

Theo đúng như tên gọi, nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các chủng virus khác nhau thường gặp là các chủng sau:

  • Rhino virus
  • Adeno virus
  • Entero virus
  • Virus cúm,…

Sốt xuất huyết do nguyên nhân nào?

Dengue virus là nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết. Người bị sốt xuất huyết do muỗi cái thuộc chi Aedes đốt.

Dengue virus có 4 chủng huyết thanh khác nhau (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4). Bệnh nhân đã từng nhiễm chủng nào có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với chủng đó và vẫn có thể mắc sốt xuất huyết khi nhiễm các chủng khác.

Như vậy, có thể thấy sự khác nhau giữa 2 loại sốt này là sốt siêu vi do nhiều chủng virus gây bệnh còn sốt xuất huyết do lây nhiễm virus Dengue.

3. Dấu hiệu sốt siêu vi và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào?

3.1. Triệu chứng của sốt siêu vi 

Tùy tác nhân virus gây bệnh mà sốt virus có những biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là:
Sốt cao đột ngột (39-40 độ C), cơ thể nhức mỏi, đau đầu, nổi mề đay, cảm giác ớn lạnh, với trẻ nhỏ thường hay quấy khóc.

Có thể nổi ban trên da sau khi sốt 2-3 ngày

3.2. Dấu hiệu mắc sốt xuất huyết

Khi mắc sốt xuất huyết thường có các triệu chứng điển hình tương ứng với 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt: Sau 4-10 ngày khi bị muỗi đốt, người bệnh thường có các triệu chứng điển hình sau:

  • Sốt cao đột ngột (39-40 độ C), sốt liên tục và khó hạ sốt
  • Nhức hai hố mắt, đau cơ, đau khớp
  • Đau đầu, chán ăn
  • Có cảm giác buồn nôn
  • Phát sinh tình trạng sung huyết

Giai đoạn nguy hiểm: Khoảng từ ngày thứ 3 trở đi, thân nhiệt có xu hướng giảm nhưng lại nguy hiểm hơn vì một số biến chứng do giảm tiểu cầu có thể xảy ra.

  • Xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, kèm theo ngứa da
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng
  • Xuất huyết hoặc suy nội tạng
  • Thoát huyết tương

Giai đoạn hồi phục: sau giai đoạn nguy hiểm 1-2 ngày, bệnh nhân sẽ hồi phục, giai đoạn này diễn ra trong khoảng 2-3 ngày và có các biểu hiện như: hết sốt, tiểu nhiều, thèm ăn, ăn ngon miệng, tiểu cầu tăng, nhịp tim chậm hoặc có sự thay đổi trên điện tâm đồ.

 

Sốt xuất huyết
Trẻ sốt xuất huyết

4. Sốt xuất huyết và sốt siêu vi có lây không?

Vì virus là tác nhân gây bệnh nên cả sốt siêu vi và sốt xuất huyết đều có thể lây lan thành dịch.

4.1. Sốt siêu vi lây qua đường nào?

Sốt virus chủ yếu lây qua 2 đường:

  • Hô hấp: ho, hắt hơi làm tăng nguy cơ lây bệnh cho người xung quanh.
  • Tiêu hóa: một số virus có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể và bám trên thực phẩm, đồ uống (entero virus, noro virus,…), khi chúng ta ăn phải thực phẩm ô nhiễm có thể bị virus tấn công và gây sốt.

Các vật dụng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, vịn cầu thang cũng là một nguồn gián tiếp lây nhiễm virus.

Ngoài ra, sốt siêu vi còn có nguy cơ lây nhiễm qua quan hệ tình dục, truyền máu, mẹ sang con.

4.2. Đường lây sốt xuất huyết

Theo Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết thường lây qua 2 đường:

Muỗi vằn đốt: trung gian truyền bệnh là muỗi aedes (muỗi vằn), muỗi vằn sau khi hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người đang mang virus Dengue (người lành mang bệnh) sau đó đốt và truyền virus cho người khỏe mạnh.

Lây qua đường máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm: truyền máu của người mang mầm bệnh sang cho người lành có thể gây lây lan virus sốt xuất huyết tuy nhiên đường lây này ít phổ biến.

Ngoài ra, virus Dengue cũng có thể lây chéo tại bệnh viện và truyền từ mẹ sang con khi người mẹ mắc bệnh sốt xuất huyết 10 ngày trước sinh.

5. Phân biệt điều trị sốt siêu vi và sốt xuất huyết

5.1. Điều trị sốt siêu vi

Sốt do virus gây ra hầu như chưa có thuốc đặc hiệu chữa trị, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Do đó, để hạ sốt cho trẻ, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp hạ sốt và theo dõi diễn biến sốt ở trẻ

Trường hợp trẻ sốt nhẹ (<38.5 độ C)

Sử dụng phương pháp vật lý như lau chườm hạ sốt. Mẹ lau trong khoảng 20 phút trẻ sẽ hạ nhiệt khoảng 0,5 – 0.6 độ C.

Bên cạnh đó cần cho trẻ mặc thoáng, uống nhiều nước, tăng cữ bú, lượng bú,…

Trường hợp trẻ sốt cao trên 38.5 độ C

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ. Nên sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt an toàn và ít tác dụng phụ.

Đồng thời mẹ phối hợp kèm phương pháp lau chườm để tăng hiệu quả giảm sốt.

Trường hợp trẻ không hạ sốt

Nếu sốt cao trên 39 độ C trên 3 ngày hoặc sốt cao trên 39 độ C dùng thuốc không hạ sốt thì mẹ cần đưa ngay trẻ đi gặp bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm.

Sốt siêu vi ở trẻ
Trẻ sốt siêu vi

5.1. Điều trị sốt xuất huyết

Trong điều trị sốt xuất huyết, vấn đề cốt lõi là bù dịch.

3 ngày đầu thường chưa có biến chứng, phụ huynh cần cho trẻ:

  • Nghỉ ngơi trong môi trường thoáng mát
  • Uống nước pha bột điện giải oresol theo đúng hướng dẫn
  • Uống nước hoa quả, sinh tố và ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu protein như cháo thịt nạc, súp,…
  • Khi trẻ sốt cao cần tìm mọi cách để làm cơ thể tỏa nhiệt bằng cách uống thuốc hạ sốt Paracetamol kết hợp lau chườm ở các vị trí có mạch máu lớn đi qua như cổ, nách, bẹn, gan bàn tay, gan bàn chân.
  • Chú ý cho trẻ mặc thoáng, không được đắp chăn, ủ ấm kể cả khi trẻ ớn lạnh.
  • Tuyệt đối không sử dụng Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt.

Từ ngày thứ 4 đến thứ 7, phụ huynh cần phải đặc biệt lưu ý, khi trẻ có dấu hiệu bất thường như mệt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nôn, đau bụng, khó thở, chảy máu cam, chảy máu chân răng,…cần đến ngay cơ sở y tế để ngăn ngừa biến chứng.

Trên đây là những thông tin cơ bản về sốt siêu vi và sốt xuất huyết, nắm rõ những đặc điểm riêng biệt giúp bạn dễ dàng phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết, phát hiện sớm loại sốt mắc phải góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, hồi phục sức khỏe nhanh hơn.

Nếu còn bất cứ băn khoăn gì về vấn đề này, mẹ có thể để lại phản hồi bên dưới hoặc liên hệ với chuyên gia của Dr.Papie qua hotline 0911.225.336 để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0911225336 Zalo Facebook