Trẻ bị sốt virus nên ăn gì và không nên ăn gì để nhanh khỏi?

Chế độ ăn uống hợp lý ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hồi phục khi trẻ bị sốt virus. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết khi trẻ bị sốt virus nên ăn gì và không nên ăn gì. Hãy cùng chuyên gia Dr.Papie tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Trẻ bị sốt virus nên và không nên ăn gì?
Trẻ bị sốt virus nên và không nên ăn gì?

Sốt virus là gì? Triệu chứng sốt virus ở trẻ?

Trước hết, mẹ cần hiểu sốt virus là gì? Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi là bệnh thường gặp ở trẻ em do sức đề kháng chưa hoàn thiện. Virus gây bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. 

Mẹ có thể nhận biết dấu hiệu sốt virus ở trẻ qua một số biểu hiện sau:

  • Sốt cao: Trẻ sốt cao trên 39 độ C, thậm chí có thể lên đến 41 độ C. Đây là triệu chứng điển hình nhất của trẻ sốt virus. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường.
  • Đau người: Trẻ cảm thấy đau cơ bắp, đau toàn thân, đau đầu,… Điều này khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc.
  • Rối loạn tiêu hóa ở trẻ với biểu hiện đi phân lỏng, có chất nhầy, không có máu. Rối loạn tiêu hóa có thể diễn ra cùng lúc hoặc muộn hơn vài ngày sau khi sốt.
  • Phát ban: Dấu hiệu này xuất hiện sau sốt 2 – 3 ngày và sau đó tự lặn mà không để lại sẹo.

Chăm sóc trẻ bị sốt virus cần chú ý nguyên tắc dinh dưỡng

Như đã đề cập đến ở trên, sốt virus thường làm nhiệt độ cơ thể tăng lên rất cao, đây chính là thời điểm bệnh bùng phát. Hệ miễn dịch làm nhiệt độ cơ thể tăng cao, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus. Quá trình sốt làm cơ thể mất khá nhiều nước và năng lượng. Vì vậy, mẹ cần bổ sung cho bé đủ nước, chất dinh dưỡng và vitamin, đảm bảo cơ thể đủ sức lực chiến đấu lại virus. Nếu không, rất có thể bé sẽ mất nước dẫn đến hạ huyết áp, co giật trụy tim và có thể tử vong.

Tuy nhiên, cơ thể nhiễm virus gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan khác như ruột, phổi, hô hấp,…. Do đó, không phải thức ăn nào cũng có thể nạp vào cơ thể. Hơn nữa, trẻ bị sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn,… nên càng cản trở quá trình ăn uống, cũng như hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.

Chính vì vậy, mẹ nên cho bé ăn các món ăn loãng, dễ tiêu hóa, ưu tiên các thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch, có khả năng kháng khuẩn, sát trùng,…. Lựa chọn phù hợp nhất là cháo loãng, oresol, các loại nước từ trái cây. Nên tránh các loại đồ ăn cay nóng, giàu đạm và đồ lạnh. 

Nếu trẻ vẫn ăn uống tốt thì điều này rất đáng mừng. Tuy nhiên, nếu trẻ không chịu hợp tác thì mẹ không nên ép buộc trẻ. Mẹ cần cố gắng dỗ dành và chiều theo sở thích của con nhưng vẫn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Mẹ có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp bé không cảm thấy ngán và dễ ăn hơn.

Trẻ bị sốt virus nên ăn gì?

Khi tấn công vào cơ thể, virus cần thời gian ủ bệnh để gia tăng số lượng và gây nhiễm trùng. Do đó, trước khi để virus có thời gian phát triển, mẹ cần chú ý chế độ ăn uống giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch và nhanh chóng hồi phục.

1. Cháo, súp là lựa chọn ưu tiên khi trẻ bị sốt virus

Cháo, súp có đặc tính rất mềm và loãng nên rất dễ ăn, là lựa chọn ưu tiên đầu tiên cho trẻ sốt virus. Cháo vừa giúp bổ sung chất dinh dưỡng, vừa có tác dụng hạ sốt cho trẻ. Mẹ có thể nấu cho con cháo gà hạt sen, cháo tía tô hoặc cháo thịt hầm bạc hà,….. đều rất tốt cho quá trình hồi phục của trẻ.

Cháo cho trẻ sốt
Cháo, súp dễ ăn, tốt cho trẻ bị sốt virus

2. Cho bé bú nhiều sữa mẹ

Sữa mẹ luôn là thức ăn dinh dưỡng và an toàn cho trẻ. Trong sữa mẹ chứa rất nhiều kháng thể tự nhiên giúp hệ miễn dịch của trẻ thêm mạnh mẽ. Theo khuyến cáo của chuyên gia Nhi Khoa, mẹ nên cho trẻ bú trong 24 tháng đầu đời để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trẻ sốt virus cũng cần được bú nhiều hơn để cung cấp đủ nước và dinh dưỡng khi trẻ lười ăn.

Cho trẻ bú nhiều khi sốt virus
Sữa mẹ cung cấp nước và dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ

3. Uống nước hoa quả giúp trẻ hồi phục nhanh

Trong chế độ ăn của trẻ bị sốt virus không thể thiếu nước trái cây. Do nó ở dạng lỏng, rất dễ uống lại vừa bổ sung vitamin và nước giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Một số loại trái cây như cam, quýt, bưởi, dưa hấu, kiwi, dâu tây,… rất giàu vitamin C, chất chống oxy hóa hiệu quả giúp tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ. Ngoài ra, nước ép chuối giúp cơ thể bé bù lại lượng Kali đã mất do nôn hay đổ mồ hôi quá nhiều khi bị sốt. Đặc biệt, các nước hoa quả từ các cây họ cam quýt có chứa hợp chất flavonoid làm giảm viêm, sưng và tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch trong cơ thể.

Nước trái cây tốt cho trẻ sốt virus
Nước ép trái cây giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch

4. Một số loại thức ăn khác

Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung cho trẻ một số loại thực phẩm bù nước, bù dinh dưỡng khác như:

  • Nước lọc: giúp bổ sung nước cho cơ thể trẻ, làm thân nhiệt hạ dần và đào thải độc tố và virus ra bên ngoài. Do đó, mẹ cần khuyến khích trẻ uống thật nhiều nước khi bị sốt virus.
  • Sữa chua: Trong sữa chua có chứa nhiều probiotic. Chất này không những làm giảm tình trạng sốt ở trẻ, ngăn sự phát triển của virus mà còn rất có lợi cho hệ tiêu hóa.
  • Nước gừng và mật ong: Thức uống này có tác dụng xua tan cảm giác đau rát cổ họng. Đồng thời, mật ong có tính kháng khuẩn, giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh.
  • Tỏi: Tỏi bổ sung chất oxy hóa, phòng ngừa bệnh tật, đồng thời cũng có tác dụng rất lớn trong việc diệt virus. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường không thể ăn tỏi trực tiếp, do đó, mẹ nên chế biến tỏi chung với các món khác như cháo, canh, súp.
  • Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn,… nằm trong danh mục những món ăn được khuyên dùng. Do thành phần của rau này được đặc trưng bởi các chất chống oxy hóa nên có tác dụng chống viêm, đồng thời bảo vệ trẻ trước sự nhân lên và tấn công mãnh liệt của virus.

Các loại thức ăn nên tránh khi trẻ bị sốt virus

Ngoài những thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng, mẹ cũng cần nắm vững những thực phẩm cần hạn chế cho trẻ khi bị sốt virus:

  • Nước đá lạnh: Do uống nước đá lạnh có thể gây viêm họng. Không chỉ vậy, khi trẻ bị sốt, uống nước đá lạnh tạo ra chênh lệch nhiệt độ quá lớn trong cơ thể, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến trẻ. Hơn nữa, đồ uống lạnh gây kích thích dạ dày – ruột, làm nặng hơn triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn,…
  • Đồ ăn cay nóng: Đồ ăn cay nóng làm thân nhiệt trẻ tăng cao hơn, từ đó tăng sốt hoặc làm trẻ sốt cao khó hạ.
  • Đồ ăn giàu protein: Do cơ thể chuyển hóa protein sẽ tỏa nhiều nhiệt lượng, làm tăng nhiệt lượng của cơ thể. Bên cạnh đó, đồ ăn chứa nhiều protein gây khó tiêu, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Điển hình phải kể đến là trứng gà.
  • Thức ăn gây khó tiêu: Mẹ không nên cho bé ăn các món ăn khó tiêu như: Món chiên, nướng, thức ăn chế biến sẵn. Do khi bị sốt virus, hệ tiêu hóa của trẻ thường hoạt động rất kém, nên không đủ khả năng hấp thu các loại thực ăn khó tiêu này.

Vậy là mẹ đã cùng chuyên gia Dr.Papie tìm hiểu rõ khi trẻ bị sốt virus nên ăn gì và không nên ăn gì. Mẹ cần lựa chọn đúng chế độ dinh dưỡng và kiêng những thức ăn cần tránh để giúp con mau chóng khỏe mạnh và hạ sốt an toàn. Nếu mẹ vẫn băn khoăn, lo lắng về cách chăm sóc bé yêu khi bị sốt virus, mẹ hãy liên hệ qua hotline 0911 225 336 hoặc để lại câu hỏi ở phần comment bên dưới để được chuyên gia của Dr.Papie giải đáp chính xác, nhanh chóng nhất.

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0911225336 Zalo Facebook