Nano Bạc công nghệ của tương lai và những rủi ro người tiêu dùng cần biết

Hiện nay nhờ đặc tính nổi bật là kháng khuẩn, mà nano Bạc (nano Ag) được biến đến và sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như xử lý nước, điện tử, y học, công nghệ sinh học… Nhưng hiện trạng sử dụng nano Bạc tại Việt Nam đã làm dấy lên nhiều lo ngại khi mức độ rủi ro từ vật liệu này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ hay có những cảnh báo cụ thể.

1. Nano bạc là gì?

Nano bạc bao gồm các hạt bạc có kích thước nano (khoảng từ 1-100 nanomet). Thông thường kích thước đo được khoảng 25 nanomet với 1nm = (1/1,000,000,000)m.

Các nhà nghiên cứu khẳng định nano bạc chính là bạc có kích thước nano (vô cùng nhỏ)  và bản chất nó vẫn là kim loại. Nhưng nano bạc không mang đến những lợi ích như kim loại bạc thường thấy. Mà ngược lại ở dạng nano, bạc đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc, tính chất vật lý, hóa học, ngay cả màu sắc cũng biến đổi, trong khi bạc có màu xám trắng thì nano bạc có màu vàng tươi.

Nanno bạc - công nghệ ẩn chứa rủi ro cho sức khỏe con người

2. Ứng dụng của nano Bạc trong cuộc sống

Ứng dụng của Bạc đã được biết đến từ thời xưa khi người ta dùng bình bằng Bạc để đựng nước hay dùng đồng xu bằng kim loại Bạc để đánh cảm…

Nhưng chỉ khi khoa học phát triển, Bạc kết hợp với công nghệ nano đã bao phủ và chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống. Từ 1980 đến 2010, thế giới có khoảng 7500 bằng phát minh, sáng chế liên quan đến nano Ag. Điều này cho thấy tiềm năng ứng dụng của nano Ag là rất lớn. Thống kê từ một nghiên cứu năm 2011 cho thấy có trên 300 sản phẩm tiêu dùng có sử dụng nano Ag.

Trong số các ứng dụng của nano Ag thì chủ yếu là đến từ khả năng kháng khuẩn của nano Ag. Đặc biệt là trong chữa bệnh (y tế) vì hiện nay hiện tượng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn ngày càng trầm trọng. Các tổ chức quốc tế đang kêu gọi các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp để hạn chế, thay thế một số loại thuốc kháng sinh hiện nay. Và công nghệ nano Bạc được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề đó nếu được đầu tư nghiên cứu đầy đủ. Nhưng cho đến nay thì vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào giải quyết được vấn đề này.

3. Cảnh báo từ các nhà khoa học về rủi ro khi sử dụng đại trà nano Bạc

Tại Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta thấy tràn lan trên thị trường các sản phẩm được gắn mác hay quảng cáo là có chứa công nghệ nano Bạc. Thậm chí đã dấy lên “hồi chuông cảnh báo” khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Trong số những đề tài nghiên cứu chuyên sâu về nano Bạc, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, bên cạnh các ưu điểm đã và đang được ứng dụng, nano Ag cũng có 2 hạn chế chính:
+ Tiềm năng độc hại đối với các sinh vật trong môi trường nước, không khí.
+ Nguy cơ gây hại đối với con người.

Tiềm năng độc hại của nano Ag đã được nghiên cứu trong môi trường nước, trên tế bào động vật: Trong một số nghiên cứu nano Ag gây đứt chuỗi DNA của chuột hoang, xâm nhập theo đường hô hấp và thực quản, bám lên trên thành thực quản, và phân bố ở các cơ quan nội tạng như phổi, gan, thận của vật nghiên cứu. Tiếp đó cơ chế về tính độc hại của nano Ag ở mức độ tế bào và phân tử đến nay vẫn chưa được biết đầy đủ, có thể liên quan đến gốc tự do có tính oxy hóa cao.

Vì tính độc hại của nano Ag phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hóa bề mặt, kích thước, hình dạng. Các nghiên cứu đã có cho thấy ảnh hưởng của kích thước hạt, liều lượng nano Ag lên tính độc hại là thấy rõ. Hạt nhỏ có tiềm năng độc hại lớn hơn và liều lượng cao cũng gây tác hại nhiều hơn. Tuy nhiên để có câu trả lời hoàn chỉnh cần thêm nhiều nghiên cứu khác.

Chính vì tính ứng dụng cao mà nano Bạc hiện đang bị lạm dụng ở rất nhiều ngành nghề do độ “hot” của chúng. Tuy nhiên hãy cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm có nano Bạc, chớ lạm dụng nó khi chúng ta chưa biết hết các rủi ro có thể xảy ra với sức khỏe.

Trong lĩnh vực chăm sóc y tế và sản xuất tiêu dùng các dạng (nano) bạc được sử dụng ngày càng nhiều và rất khó theo dõi, kiểm soát vì chúng được bán trên thị trường dưới nhiều thương hiệu. Chúng ta thường thấy các sản phẩm được phủ nano bạc như túi, màng bọc… để bảo quản thực phẩm. Chứ ít thấy nano Bạc ứng dụng tẩm vào sản phẩm dùng ăn uống hàng ngày hay trong các sản phẩm y tế vì mức độ phơi nhiễm khác nhau. Trong khi mức độ phơi nhiễm của người dùng phụ thuộc vào vị trí của vật liệu nano khi sử dụng hoặc cách bào chế sản phẩm.

Cẩn trọng khi chọn và sử dụng các sản phẩm được ngắn mác "công nghệ nano"

Để xác định mức độ phơi nhiễm, cần có thêm thông tin về nồng độ bạc trong các sản phẩm, kích thước và dạng chứa nó cũng như xác suất giải phóng các ion Ag-NP hoặc Ag từ các sản phẩm. Điều này rất khó tìm thấy trên nhãn mác bao bì và người sử dụng cũng không có bất cứ kênh thông tin nào để tìm hiểu cụ thể. Trong khi kích thước Nano nghĩa là dao động từ 1-100 nanomet. Khoảng dao động này rất lớn, và với mỗi kích thước nano khác nhau thì cũng có nguy cơ thể hiện mỗi tính chất tương ứng khác nhau. Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng nano bạc cho con người, đặc biệt là cho trẻ nhỏ cần chú ý về kích thước hạt.

Các chuyên gia cho rằng nano bạc là một vật liệu mới có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học nhưng chưa thể sử dụng phổ biến bởi nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hủy hoại môi trường tự nhiên. Trước khi có những nghiên cứu triệt để về công dụng và khuyến cáo sử dụng rõ ràng, người tiêu dùng được khuyên không nên sử dụng các sản phẩm có chứa nano bạc.

* Bài viết có sử dụng tài liệu:

. Nghiên cứu tổng quan về nano bạc: Từ tổng hợp đến  ứng dụng (Lê Quốc Chơn – Tạp chí khoa học & công nghệ Đại học Duy Tân)

. Tài liệu của EU Commission

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0911225336 Zalo Facebook